31 lượt xem
Tác giả: Việt Hoàng
Logitech G502 – sản phẩm chuột chơi game đã ra mắt được một khoảng thời gian khá lâu rồi. Bản thân nó cũng đã có tới 3 phiên bản được cải tiến theo từng năm. (Bắt đầu từ 2014). Bài viết này mình muốn đánh giá G502 theo một cách khách quan từng thời kỳ. Những điểm đạt và chưa đạt của nó mình sẽ nói rõ. Và mình cũng khoán trước với anh em rằng mình không viết với mục đích marketing sản phẩm để bán. Mình muốn kênh review của 16Play là một trang blog ghi lại trải nghiệm của bản thân khi sử dụng sản phẩm mỗi sản phẩm công nghệ. Còn về marketing, mình xin gắn cái link trang chủ sản phẩm của hãng để anh em tham khảo tại đây.
Mình dám cá là 99% anh em chơi Gear không biết đến nguồn gốc của con chuột quốc dân, huyền thoại này. Để nói về phiên bản đầu tiên, anh em thường nghĩ ngay tới Logitech G502 – 2014. Trên thực tế, những “phiên bản” tiền thân của G502 lại có từ trước năm 2014. Mặc dù không cùng tên, nhưng chúng đóng vai trò quan trọng trong thiết kế của mẫu chuột này. Tiêu biểu có thể kể đến 3 mẫu chuột đó là MX 500 (2002), G5 (2005) và G500 (2009)… của Logitech.
Ngay từ khi ra mắt chính thức với cái tên G502, Logitech đã nhắm tới đối tượng người dùng Gamer. G502 dành được sự tín nhiệm của cộng đồng với danh hiệu “Chuột quốc dân”. Tuy nhiên G502 lại không được nhiều Pro CSGO lựa chọn bởi nó khá nặng, quá nhiều nút bấm thì cũng không cần thiết, và 90% họ chọn Zowie. Mình thì không phải Pro nên mình không có vấn đề với cân nặng ~120g của nó. Có khi như thế lại giúp những thao tác nhỏ của mình được tỉ mỉ và chính xác hơn. Thế nhưng so với những mẫu chuột gaming chỉ khoảng 70-80g thì 120g sẽ khó cho anh em thực hiện những pha “vẩy ốp”.
Không có sự thay đổi kể từ khi ra mắt. Thiết kế kiểu công thái học, cầm rất ôm tay nên G502 sẽ phù hợp cho anh em cầm chuột theo kiểu Palm và Claw Grip. (Lưu ý cho mình là mẫu chuột này chỉ phù hợp với anh em thuận tay phải). Vì nhìn khá hầm hố nên mình nghĩ, nó sẽ phù hợp với đối tượng người dùng trẻ trung hơn. Ngoài những đường cong mềm mại, thì trên G502 những đường nét góc cạnh được cắt táo bạo sẽ được thêm vào. Điều này thực sự giúp tạo điểm nhấn cho một sản phẩm Gaming. Tuy vậy, Logitech cũng không để làm mất đi cảm giác cầm tuyệt vời của nó.
Anh em thích màu mè thì một điểm ăn tiền nữa của G502 chính là phần LED. Tất cả những phần có LED đều được bố trí rất hợp lý để sao cho khi anh em cầm chuột thì lòng bàn tay không che đi đèn LED. Một điều mà rất nhiều hãng không làm được hoặc họ không để ý đến. Ngoài LOGO còn có 3 đèn LED hiển thị 3 mức DPI khác nhau.(anh em thiết lập trong phần mềm giúp mình nhé!)
LED có thể điều chỉnh trong phần mềm đi kèm, nhiều màu, nhiều chế độ, nhiều mức sáng khác nhau,…Đảm bảo không bị chói trong quá trình sử dụng. Khi nào hứng thì anh em kéo sáng lên chụp ảnh sẽ rất đẹp nhé !
(Anh em lưu ý cho mình là LED RGB chỉ có từ phiên bản Proteus Spectrum đổ đi thôi nhé, còn trước thì LED đơn sắc xanh có hiệu ứng điều chỉnh qua phần mềm).
11 Phím Macro được trang bị, cho phép anh em có thể gán lệnh, phím tắt, tổ hợp phím tắt bất kỳ thông qua phần mềm. Phím macro nên là một trong những tiêu chí khi chọn chuột Gaming. Nhiều khi anh em muốn dùng combo nhanh nhưng phím xa, khó thao tác, thì một phím Macro sẽ giúp ích rất nhiều.
Những phím Macro này thì cũng được Logitech bố trí rất hợp lý. Cá nhân mình chưa thấy ai phàn nàn về việc họ bị bấm lộn hay khó sử dụng cả. Nhưng công nhận 11 phím thì cũng hơi ngộp, mình dùng không hết. Cũng xin phép không bàn về chức năng mặc định của từng phím. Anh em nên tự setup lại Profile phím cho thuận tay và phù hợp với cái game anh em chơi.
Con lăn trên chuột gạt sang 2 bên trái phải cũng được tính là 2 button riêng biệt nhé. Lăn cũng có 2 chế độ. Chế độ Normal thì như chuột thường, chế độ Hyper-fast scroll wheel sẽ biến con lăn thành Spinner, đương nhiên là lướt cũng nhanh hơn. Cái này ứng dụng của nó chắc chỉ để anh em lướt nhanh lên trên hoặc xuống dưới khi đọc web hoặc làm code.
Phiên bản nào của G502 thì cũng đều kèm theo hộp tạ riêng. Trong hộp sẽ bao gồm 5 quả tạ (3,6g/1 tạ) với phiên bản có dây và 6 quả tạ (2x4g, 4x2g) với phiên bản Wireless. Theo mình thì không cần lắp đâu vì nguyên chuột đã trăm gam rồi. (Trừ những tựa game cần độ chính xác cực cao – mình sẽ làm bài viết nói về vấn đề tạ sau).
Anh em thấy lạ không? Thường review người ta sẽ đem phần này lên đầu mới phải? Đó là bởi vì mình không muốn biến nó thành một bài Marketing. Đối với mình, khi anh em đã chọn mua một sản phẩm Gaming, thì dù là chuột, bàn phím hay tai nghe. Yếu tố quan trọng nhất phải là hiệu quả thực tế. Còn về bản thân G502, ngay từ phiên bản đầu tiên sử dụng cảm biến PMW3366, nó đã được đánh giá quá tốt rồi, so với “cảm biến HERO” mới thì cũng không chênh lệch nhiều ảnh hưởng đến trải nghiệm dùng. Do vậy mình không quan tâm đến những con số 12000,16000 hay 25600DPI… (Ngay cả anh em cũng không dùng tới 4000 đâu).
Yếu tố công nghệ mà mình quan tâm nhất chính là “Lightspeed Wireless” trên phiên bản không dây của G502. Với độ trễ chỉ 1ms, nó cho phép kết nối không dây cả Bluetooth và Receiver nha anh em. Nhưng mình khuyên anh em nên sử dụng Receiver để đạt được kết nối ổn định khi chơi game. Với phiên bản không dây thì công nghệ pin và sạc nhanh cũng là 2 yếu tố mình đánh giá rất cao. Về thời lượng pin thì anh em có thể dùng liên tục với đèn LED RGB cùng độ sáng mặc định trong 48h và không đèn sẽ là 60h. Thời gian sạc thực chiến rất ấn tượng, chỉ với 5 phút sạc sẽ cho anh em 2,5 giờ chơi. ( Mình đã test sạc trên cổng USB 2.0).
Anh em còn có thêm công nghệ sạc không dây “Powerplay Wireless Charging”. Cho phép sạc không dây trực tiếp trên những bàn di chuột Powerplay của hãng.( Vừa chơi, vừa sạc).
Vậy là vừa rồi mình đã chia sẻ cho anh em toàn bộ những gì mình biết về con chuột Gaming G502 của Logitech. Nói tóm lại, mình vẫn recommend anh em mua mẫu chuột này về để chơi game. Ngay cả khi đủ tiền mua G903 thì lựa chọn G502 Wireless mình vẫn thấy nó tốt hơn.
Nếu anh em thấy hay thì có thể Like và Share bài viết này cho bạn bè và người thân của mình cùng đọc ! Còn bây giờ thì hẹn gặp lại anh em trong những số 16Review tiếp theo nhé !
Bình luận trên Facebook